Lúc đó phân thân Địa Tạng Bồ-tát ở các nơi có địa ngục trăm nghìn muôn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới đều đến hội họp tại cung trời Đao-lợi.
Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân đó hiệp với những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo ở mười phương, cũng đều đông đến số nghìn muôn ức na-do-tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.
Trong vô lượng vô số thế giới, mỗi thế giới có bao nhiêu địa ngục thì Bồ-tát Địa Tạng đều đến hiện thân cứu độ. Số lượng thế giới đã là bất khả nghị, bất khả thuyết,… huống chi là số địa ngục và số phân thân của Bồ-tát trong ấy! Tất cả đều tập hợp đến pháp hội tại cung trời Đao-lợi (nên phẩm này tên là “Phân thân tập hội”).
Những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo: Có thể là đã giải thoát khỏi luân hồi, hoặc chỉ mới giải thoát khỏi ba đường ác (địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh).
Nhờ thần lực của Phật Thích-ca mà những chúng sanh này cùng đến tụ họp với các phân thân của Bồ-tát Địa Tạng. Tất cả cùng cầm hoa thơm cúng dường Phật.
Những chúng cùng đến với phân thân đó, thảy đều nhờ Địa Tạng Bồ-tát giáo hóa làm cho trụ nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không còn thối chuyển.
Dù đã chứng quả Thánh hay chỉ mới ra khỏi đường ác, những người này đối với chặng đường tu lên quả vị Phật (Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) trọn không bao giờ bị thoái lui nữa.
Những chúng đó từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong vòng sanh tử ở trong sáu đường, chịu những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng dứt, nhờ lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của ngài Địa Tạng Bồ-tát, nên tất cả đều chứng được đạo quả.
Sáu đường: Trời, A-tu-la, người, súc sanh, ngã quỷ, địa ngục.
Lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của Bồ-tát Địa Tạng được tóm gọn trong hai câu: “Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật. Độ hết chúng sanh, mới chứng Bồ-đề.”
Đại chúng đó khi đã đến cung trời Đao-lợi, lòng họ vui mừng hớn hở, chiêm ngưỡng Đức Như Lai mắt nhìn mãi không rời.
Bấy giờ, Thế Tôn giơ tay sắc vàng xoa đảnh của hóa thân Địa Tạng đại Bồ-tát trong trăm nghìn muôn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới, mà dạy rằng: “Ta ở trong đời ác ngũ trược, giáo hóa những chúng sanh cang cường như thế, làm cho lòng chúng nó điều phục, bỏ tà về chánh; nhưng trong mười phần vẫn còn một hai phần chúng sanh quen theo tánh ác.
Bồ-tát có bao nhiêu phân thân (ứng hóa thân) thì khi Phật đưa tay ra, cũng có số cánh tay tương ứng như thế để xoa đỉnh đầu của tất cả các thân ấy.
Phân thân của Phật và Bồ-tát nói trong phẩm này là Ứng hóa thân (hay còn gọi là Ứng thân, Hóa thân). Ứng với căn cơ chúng sanh mà hóa ra thân tạm thời để giáo hóa.
Muốn độ chúng đó, ta cũng phân nghìn trăm ức thân, lập ra nhiều phương chước. Trong chúng sanh đó, hoặc có người căn tánh sáng lẹ nghe pháp của ta thời liền tín nhận. Hoặc có người phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu, được thiện quả. Hoặc có kẻ vì tội nghiệp quá nặng nên chẳng đem lòng kính tin ngưỡng mộ.
Ta phân ra nhiều thân độ thoát những hạng chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế. Hoặc hiện ra thân trai, hoặc hiện ra thân gái, hoặc hiện ra thân trời, rồng, hoặc hiện ra thân quỷ, thần, hoặc hiện ra rừng, núi, sông, ngòi, ao, rạch, suối, làm lợi ích cho mọi người, để rồi độ họ được giải thoát.
Hoặc hiện ra thân Thiên Đế, hoặc hiện ra thân trời Phạm Vương, hoặc hiện ra thân vua Chuyển Luân, hoặc hiện ra thân Quốc Vương, hoặc hiện ra thân cư sĩ, hoặc hiện ra thân Tể Phụ, hoặc hiện ra thân các hàng quan thuộc, hoặc hiện ra thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Nhẫn đến hiện ra những thân Thanh Văn, La-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh, chớ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu!
Tùy vào chúng sanh cần gì, ưa thích gì mà Phật và Bồ-tát hiện ra thân tương ứng để giáo hóa, làm lợi ích, chứ không phải chỉ hiện thân Phật thôi!
Các bậc Thánh vẫn thường thị hiện, âm thầm giúp đỡ chúng ta. Nhưng vì không tiết lộ thân phận, cũng không để lộ điều gì khác thường, nên chúng ta không hề hay biết. Đã bao giờ bạn trăn trở muốn làm gì đó, rồi có những duyên lành đến bất chợt giúp bạn thành tựu hay chưa?
Địa Tạng! Ông xem ta đã trải qua bao số kiếp nhọc nhằn độ thoát những chúng sanh cang cường đầy tội khổ khó khai hóa như thế. Ngoài ra, những kẻ chưa điều phục được, thời phải theo nghiệp thọ báo.
Nếu khi chúng đó có bị đọa vào đường dữ chịu nhiều sự thống khổ, thời ông nên nghĩ nhớ ta ở cung trời Đao-lợi ân cần phó chúc đây mà gắng độ chúng sanh, làm cho chúng sanh trong cõi Ta-bà này đến lúc Phật Di-lặc ra đời, đều đặng giải thoát, khỏi hẳn các điều khổ, gặp Phật, được Đức Phật thọ ký”.
Thọ ký: Thọ (còn đọc là “thụ”) nghĩa là trao truyền (như “truyền thụ”). Ký nghĩa là báo trước cho biết về một kỳ hạn. Phật ấn chứng cho người đó, trong tương lai, vào lúc đó, sẽ thành tựu quả vị Phật.
Ý nghĩa của mấy đoạn vừa rồi: Việc Phật dặn dò Bồ-tát Địa Tạng (phân thân vô số, bày ra vô vàn phương tiện, không nơi nào là không hóa hiện, trải bao số kiếp nhọc nhằn để độ chúng sanh), khi xưa chính Phật cũng đã làm. Nay còn lại một phần chúng sanh cang cường (cứng đầu, quen theo thói ác) chưa điều phục được, đang chịu nhiều sự thống khổ nơi ác đạo, Phật giao phó lại cho Bồ-tát.
Bấy giờ, những hóa thân Địa Tạng Bồ-tát ở các thế giới hiệp chung lại một hình, rơi lệ thương cảm mà bạch cùng Đức Phật rằng: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ Đức Thế Tôn tiếp độ dắt dìu làm cho con được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn.
Giống như người con hiếu nhận sự giao phó từ người cha sắp đi xa, người học trò lắng nghe những lời dạy sau cùng của thầy mình, nên Bồ-tát rơi lệ thương cảm.
Con phân hiện thân hình ra ở cùng khắp trăm nghìn muôn ức Hằng hà sa thế giới. Trong mỗi thế giới hóa hiện trăm nghìn muôn ức thân. Mỗi thân đó hóa độ trăm nghìn muôn ức người làm cho quy kính ngôi Tam Bảo, khỏi hẳn vòng sanh tử, hưởng vui Niết-bàn.
Những chúng sanh nào ở nơi Phật pháp chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, một giọt nước, một hột cát, một bụi nhỏ, hoặc chỉ bằng chừng mảy lông tóc, con đều độ thoát lần lần, làm cho chúng đó được lợi ích lớn.
Chúng sanh đại ác trong địa ngục mà Bồ-tát Địa Tạng còn nguyện cứu độ, nên những ai làm được việc thiện trong Phật pháp, dù nhỏ như hạt bụi, chắc chắn sẽ được Bồ-tát xét thấy và cứu độ dần dần.
Cúi mong Đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!... Cúi mong Đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!...” Ngài Địa Tạng Bồ-tát bạch cùng Đức Phật ba lần như thế.
Khi nghe lời Phật giao phó, Bồ-tát bạch lại rằng: Xin Phật chớ lo lắng. Chính con đang làm những việc đó từ số kiếp lâu xa đến nay. Nhờ Phật dắt dìu dạy dỗ, mà con có sức thần thông và đầy đủ trí tuệ rộng lớn để gánh vác được trọng trách này.
Lúc ấy, Đức Phật khen ngài Địa Tạng Bồ-tát rằng: “Hay thay! Hay thay! Ta hộ trợ cho ông được toại nguyện! Từ số kiếp lâu xa đến nay thường phát nguyện rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi, thời ông liền chứng quả Bồ-đề”.
Ngắt câu thế này sẽ dễ hiểu hơn: “Hay thay! Hay thay! Ta hộ trợ cho ông thành tựu nguyện lớn mà ông đã phát từ số kiếp lâu xa đến nay. Cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi, thời ông liền chứng quả Bồ-đề”.
“Cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi,…” là câu Phật thọ ký cho Bồ-tát Địa Tạng.
Tổng kết nội dung phẩm hai: Sau khi được Phật giới thiệu ở phẩm một, Bồ-tát Địa Tạng đến tụ hội ở trời Đao-lợi dưới dạng phân thân, rồi nhận lời phó chúc.
Muôn ức na-do-tha nghĩa là chi thế anh